Giới thiệu chung

CHÙA LINH ỨNG - THUẬN TỐN
Ngày đăng 12/02/2022 | 06:38  | Lượt truy cập: 3517

CHÙA LINH ỨNG

Chùa Linh Ứng có tên chữ là “Linh ứng tự”, còn gọi là chùa Thuận Tốn, thuộc thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện gia Lâm, Hà Nội.

Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo nằm trong hệ thống phật giáo có nhiều mối quan hệ gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nơi đây. Căn cứ vào các tấm bia và chuông hiện còn tại chùa có thể khẳng định chùa Linh ứng có niên đại xây dựng ít nhất từ thời Lê.

Bên cạnh việc thờ phật hiện trong chùa Linh Ứng còn có ba pho tượng hậu bằng đá. Theo sư trự trì chùa và nội dung bia ghi chép lại thì đó là tượng Lê Công và hai bà vợ của ông. Ba vợ chồng ông là người đã nhiều công đức đóng góp tiền của vào sửa chùa.

Chùa Linh Ứng hiện tọa lạc trên một khu đất cao, thoáng mát và rộng rãi ở giữa khu dân cư của làng. Từ ngoài vào chùa Linh ứng gồm có các công trình tam quan, chùa chính (tiền đường và thượng điện), nhà mẫu, nhà tổ và nhà khách.

Chùa chính có quy mô kiến trúc khá lớn và bề thế, được làm theo kiểu chữ đinh bao gồm năm gian tiền đường và năm gian thượng điện. Tiền đường được tôn cao khoảng 1m so với mặt sân, phía trước là các bậc tam cấp được xây gạch cao dần làm lối lên xuống. Chùa được xây theo kiểu “đầu hối bít đốc”, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, chính giữa nóc là một ô hình chữ nhật đắp ba chữ hán lớn “Linh Ứng tự”.

Mặt trước tòa tiền đường mở ba cửa bức bàn bằng gỗ lim. Các gian đầu hồi được xây tường bao kín, lòng nhà gồm năm gian rộng. Phía trong tòa tiền đường là bộ khung đỡ mái được làm theo kiểu “giá chiêng và bẩy hiên”. Liên kết các thức vì là hệ thống xà đại thượng tạo nên sự bền chắc cho bộ khung nhà. Nghệ thuật chạm khắc trong nhà tiền đường với các đề tài trang trí truyền thống của kiến trúc phật giáo như tứ linh, rồng mây, hoa dây, tứ quí…Nhìn chung đường nét chạm khắc chau chuốt tỉ mỉ mang đậm nét phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Thượng điện được nối liền gian giữa tiền đường về phía sau tạo nên vẻ thâm nghiêm của ngôi chùa cổ. Bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu “chồng rường giá chiêng” được bào trơn đóng bén. Hệ thống cột gỗ trong thượng điện đã được thay bằng cột xây gạch. Toàn bộ phần giữa thượng điện xây một bệ gạch lớn gồm sáu bậc cao dần từ ngoài vào.

          Ở vị trí cao nhất sát với tường hậu là ba pho tượng tam thế thường trụ diện pháp thân, tượng trưng cho phật ở quá khứ, hiện tại, tương lai. Ba pho tam thế có kích thước và hình dáng giống nhau, mang những tướng tốt được thể hiện ra ngoài như đỉnh đầu có gờ thịt nổi cao, tóc xoắn ốc.

          Lớp tượng thứ hai gồm A Di Đà tiếp dẫn ngồi giữa, Quan Thế Âm đứng bên phải, Đại Thế Chí đứng bên trái, ý nghĩa của lớp tượng này là cứu vớt chúng sinh khỏi kiếp luân hồi, khổ ải về với thế giới tây phương cực lạc.

          Lớp tượng thứ ba gồm tượng Quan âm ngồi trên tòa sen ở giữa, hai bên là hai vị thị giả. Theo giáo lý đạo phật kể rằng Quan Thế âm là một người chân tu đắc đạo xong không lên niết bàn mà ở lại thế gian để cứu khổ, cứu nạn cho tất cả con người, giúp cho chúng sinh khỏi vòng luân hồi khổ não.

          Lớp tượng thứ tư gồm Thích Ca Cửu Long đứng trước và ở giữa, phía trên là Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, phía dưới là Phạm Thiên, Đế Thích, ý nghĩa của lớp tượng này thế giới sa bà (trần gian) hân hoan đón chào đức phật ra đời.

Sát tường hồi phía bên trái tòa tiền đường có một ban thờ đặt trên bia đá tạc tượng phù điêu bằng đá. Đó là tượng ông Lê Công và hai bà vợ của ông. Đối diện phía bên trái là tượng Thánh Tăng.

Nhà tổ nằm phía bên phải chùa chính. Đó là ngôi nhà năm gian xây kiểu “tường hồi bít đốc tay ngai”, mái lợp ngói ta. Nhà tổ có ba bệ thờ, bệ bên trái đặt một pho tượng tổ ngồi trong tư thế thiền định, bên phải đặt ảnh thờ sư tổ và những đồ thờ tự.

Nhà mẫu xây một ban thờ bằng gạch khá cao trên có ba pho tượng Tam Tòa Thánh Mẫu.

Trải qua một thời kỳ dài lịch sử dân tộc, lại bị chiến tranh, thiên tai tàn phá nặng nề nhưng hiện tại chùa Linh ứng còn bảo lưu được một khối lượng di vật phong phú có giá trị bao gồm 32 pho tượng phật đều được tạo tác vào thời Lê -Nguyễn. Tượng ở đây kích thước không lớn song được làm khá đẹp, chau chuốt tỉ mỉ. Một số pho điển hình mang tính nghệ thuật cao như ba pho Tam Thế, tượng A Di Đà, tượng Quan Âm. Một pho tượng tổ được tạc trong tư thế thiền định, nét mặt phúc hậu đầy đặn, tai to và chảy dài, các nếp áo cà sa buông rủ mềm mại. Tượng mang các nét nghệ thuật thời Nguyễn. Ba tấm bia đá một tấm bia không có tên, trán bia trang trí hình mặt trời, hoa dây, bia dựng năm thứ nhất niên hiệu Dương Đức (1672); hai tấm bia hậu phật đều có kích thước 0,33 x 0,50 m, bia dựng ngày lành tháng chín niên hiệu Cảnh Hưng thứ 42 (1781). Hai quả chuông đồng, một quả đúc năm Nhâm Thân niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752), một quả đúc ngày 11 tháng 4 niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1843). Ngoài ra còn có một số đồ thờ tự khác như bát hương sứ, chân đèn, lọ cắm hoa….

Giá trị nổi trội của di tích được thể hiện qua nội dung lịch sử, khối kiến trúc vật chất hiện còn cùng sưu tập di vật văn hóa trong chùa. Chùa Linh ứng được Bộ Văn hóa –Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1996.

MIẾU THUẬN TỐN
Ngày đăng 22/01/2022 | 06:33  | Lượt truy cập: 3074

MIẾU THUẬN TỐN (miếu cầu vương)

Miếu Thuận Tốn thuộc thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Miếu còn có tên là miếu Cầu Vương, vì di tích nằm ngay tại Cầu Vương, ngoài ra dân làng còn hay gọi là miếu Thượng.

Là một di tích kiến trúc cổ nằm trên mảnh đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, ngôi miếu Thuận Tốn mang trong bản thân mình nhiều giá trị và là nơi thờ phụng thành hoàng của Thôn Thuận Tốn. Thông qua 15 đạo sắc phong hiện còn có thể thấy rằng miếu thờ hai vị thần mà theo nhân dân địa phương là hai anh em Bát Bộ Ma Vương và Đại Ma Vương.

Hiện tại, theo các cụ cao tuổi trong thôn thì miếu chỉ thờ chính một thần Bát Bộ Ma Vương. Theo 10 sắc phong hiện còn tại miếu, trong đó sớm nhất là sắc Minh Mệnh thứ 2 (1821) và muộn nhất là triều vua Khải Định thứ 9 (1924) thì ông được các triều đại phong tặng là Trấn Định chi thần. Vị thần Đại Ma Vương hiện ở đình còn năm sắc phong tặng cho vị thần này, trong đó sớm nhất là vào năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767) và muộn nhất là năm Khải Định thứ 9(1924).

Như vậy, thông qua hệ thống sắc phong, có thể thấy rõ hai vị thành hoàng đều là những vị thần có công với dân với nước.

Miếu Thuận Tốn thuộc về loại hình di tích tôn giáo truyền thống của dân tộc. Với những giá trị hiện còn di tích đã được Bộ Văn hoá -Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996.

Miếu hiện mang kiến trúc thời Nguyễn. Song dựa vào hệ thống 15 đạo sắc có niên đại sớm nhất Cảnh Hưng 28 (1767) để đoán định thì miếu có niên đại xây dựng từ trước đó rất nhiều. Điều này khá phù hợp với sự phát triển và truyền thống văn hóa lâu đời của vùng đất Thuận Tốn.

Các công trình kiến trúc của miếu từ ngoài vào gồm tiền tế, thiêu hương và hậu cung kết cấu theo kiểu chữ đinh.

Tiền tế xây kiểu tường hối bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, chính giữa bờ đinh trang trí đắp nổi hình hổ phù đội mặt trời lửa, hai đầu đốc mái đắp hình rồng quay vào nóc mái. Hai hồi hiên xây hai trụ biểu kiểu lồng đèn cao ngang nóc mái, trụ có mặt cắt hình vuông, thân tạo gờ nổi, trên khắc đôi câu đối bằng chữ hán cổ, đỉnh trụ đắp tượng nghê ở tư thế hướng vào trong. Các bộ vì đều được bào trơn, kẻ soi đóng bén nhẹ nhàng, gian giữa phía trong kê một hương án gỗ trang trí khá đẹp, phía trên treo một bức hoành phi ghi bốn chữ hán “Vạn cổ tối linh”.Thiêu hương (còn gọi là phương đình) được đặt ở giữa tiền tế và hậu cung. Đây là một kiến trúc dạng chồng diêm hai tầng tám mái, mái lợp ngói mũi hài cổ, các góc mái được làm thành đao cong tạo ra sự bay bổng cho kiến trúc. Phần cổ diêm phân cách giữa mái thượng, mái hạ được trang trí bằng hoa văn hình học. Toàn bộ kết cấu của nhà thiêu hương được dựng trên bốn hàng cột lớn xây gạch, đặt trên các chân tảng bằng đá tạo kiểu trên tròn dưới vuông. Các cửa tạo kiểu vòm cuốn thông với tiền tế và hậu cung, nền nhà lát gạch, giữa nhà đặt một long đình và một bát bửu bằng gỗ sơn son thiếp vàng lộng lẫy.

Hậu cung có kết cấu kiểu chữ đinh chia làm hai phần, phần ngoài là một nếp nhà ngang ba gian, được làm năm Khải Định thứ 4, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, giữa bờ nóc đắp hình hổ phù đội mặt trời lửa, hai đầu đốc mái xây trụ vuông nhỏ. Nội thất chia làm ba gian, mặt bằng bốn hàng chân cột, các vì nhà được làm thống nhất theo kiểu vì chồng rường và được trang trí hoa văn thực vật, văn xoắn, các nét chạm mềm mại và nổi khối.

Trải qua một thời gian dài tồn tại, di tích miếu Thuận Tốn còn bảo lưu được một số di vật có giá trị văn hóa nghệ thuật cao. Đồ giấy gồm 15 đạo sắc phong thần, sớm nhất là sắc phong có niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 28 triều vua Lê Hiển Tông (1767). Muộn nhất là đạo sắc năm thứ 9 niên hiệu Khải Định (1924). Đáng chú ý là đạo sắc phong của Quang Trung đề ngày 5 tháng 5 năm thứ 5 niên hiệu Quang Trung (1792).

Đồ gỗ gồm hai chiếc ngai thờ, một lớn một nhỏ được chạm khắc tỉ mỉ các đề tài rồng, lưỡng long chầu nguyệt, cánh sen, hoa dây; giá chúc thư văn sơn son thiếp vàng hình chữ nhật đặt trên lưng hai con nghê; biển gỗ hình chữ nhật, hai góc trên cắt vát, trên mặt biển gỗ chạm nổi ba chữ “Trung nghĩa dân”. Bên phải phía trên có dòng chữ nổi: “Gia Lâm huyện, Thượng Tốn xã do năng kiên tâm, hiệu lực công ngữ tắc đồ phong bản tứ tinh tường”, bên dưới phía trái có dòng chữ nổi: “Cảnh Hưng ngũ niên thập nguyệt nhị thập nhất” nghĩa là: ngày 20 tháng 10 năm thứ 5 niên hiệu Cảnh Hưng (1745)…..

Qua thời gian dài tồn tại, quy mô bề thế và vẻ đẹp cổ kính của ngôi miếu tuy không còn bảo lưu được nguyên vẹn. Song tự bản thân di tích vẫn là vốn cổ quý giá trong kho tàng di sản văn hóa nước nhà. Giá trị của di tích được thể hiện trên nhiều mặt, từ nội dung lịch sử, ý nghĩa khoa học đến khối kiến trúc vật chất hiện còn.

Miếu Thuận Tốn – nơi thờ phụng vị thần thành hoàng làng. Miếu có vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc cổ, những nét đẹp cổ kính nay được khẳng định qua sự bố cục chặt chẽ, các công trình kiến trúc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên với những nếp nhà mái đao công vút cổ kính ẩn hiện dưới tán cây đa cổ thụ tạo sự tôn nghiêm tĩnh lặng nằm ở bên bờ sông Đại Bi xưa nối với sông Nghĩa Trụ.

Giá trị về mặt điêu khắc nghệ thuật được thể hiện rõ nét qua khối lượng di vật hiện còn lưu lại trong miếu như: long ngai bài vị sơn son thiếp vàng lộng lẫy, cùng với kỹ xảo đục chạm điêu luyện, nét chạm chau chuốt mạch lạc. Đây là một tác phẩm hoàn hảo mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII-XIX.

 Giá chúc thư văn làm năm Thịnh Đức thứ 4(1656) với các đường nét chạm nổi sống động hình ngũ long trong lá đề và hình ảnh rồng uốn lượn cong mình như hình sin rất mềm mại. Đây là bức chạm trên gỗ rất đẹp và hiếm quý ở nước ta. Cùng với những giá trị trên đây miếu Thuận Tốn còn bảo lưu được bộ di vật văn hóa lịch sử có niên đại trải dài trong ba triều đại Lê – Tây Sơn – Nguyễn.

Miếu Thuận Tốn là một di tích lịch sử văn hóa quý cần được bảo tồn và phát huy tác dụng. Đối với dân làng Thuận Tốn ngôi miếu là niềm tự hào, nơi lưu giữ những truyền thống văn hóa dân tộc, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và củng cố mối đoàn kết trong cộng đồng làng xã.

ĐÌNH NGỌC ĐỘNG
Ngày đăng 22/05/2022 | 06:17  | Lượt truy cập: 3196

ĐÌNH NGỌC ĐỘNG 

Đình Ngọc Động – nơi thờ phụng tam vị danh tướng Nhị vua Hai Bà Trưng

Đình Ngọc Động có từ rất xưa, là nơi thờ phụng 3 vị danh tướng họ Đào của nhị vua Hai Bà Trưng. Theo gia phả của họ Đào, đó là các đức ngài : Đào Đô Thống; Đào Chiêu Hiển; Đào Tam Lang.

Lược sử địa danh

Năm 1831 huyện Gia Lâm có 10 tổng, trong đó tổng Đa Tốn gồm 9 xã là Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Khoan Tế, Thượng Tốn (còn gọi là Thuận Tốn), Hạ Tốn, Giang Cao, Xuân Thụy, Gia Cốc và Đào Xuyên.

Từ Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền xóa bỏ cấp tổng, các xã Đào Xuyên, Khoan Tế, Thuận Tốn lập thành xã Minh Tân; hai thôn Lê Xá, Ngọc Động vẫn thuộc xã Đa Tốn.

Năm 1947, hai xã Minh Tân và Đa Tốn hợp nhất thành xã Đại Minh (mở rộng thêm 5 thôn của xã Kiêu Kỵ ngày nay là Kiêu Kỵ, Gia Cốc, Báo Đáp, Hoàng Xá, Chu Xá). Đại Minh sau đổi thành Đại Hưng, đến Cải cách ruộng đất lại tách ra làm xã Đại Hưng (gồm Đào Xuyên, Lê Xá, Ngọc Động, Thuận Tốn, Khoan Tế) và xã Tân Hưng (gồm Kiêu Kỵ, Gia Cốc, Báo Đáp, Hoàng Xá, Chu Xá).

Năm 1966, Đại Hưng đổi tên là xã Đa Tốn. Xã này ngày nay nằm giữa quốc lộ QL5B và tỉnh lộ TL359.

Làng Ngọc Động tên Nôm là làng Lị, có ngôi đình tương truyền rất cổ, Đình Ngọc Động tương truyền có từ rất xưa, đây là nơi thờ phụng 3 vị danh tướng họ Đào của nhị vua Hai Bà Trưng. Đình được xếp hạng di tích quốc gia (1990). Thuộc thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội. Theo gia phả của họ Đào, đó là các đức ngài : Đào Đô Thống; Đào Chiêu Hiển; Đào Tam Lang

Những tướng lĩnh đã tham gia đại binh của nhị vua Hai Bà Trưng đánh đuổi thái thú Tô Định nhà Hán. Trên bài vị có ghi:

Độ Thống đại vương (sắc phong Tế thế Hộ quốc Hùng tài Trợ thống đại vương).

Chiêu Hiển đại vương (sắc phong Tế thế Hộ quốc Anh linh Cảm ứng đại vương).

Tam Lang đại vương (sắc phong Tế thế Hộ quốc Thông minh Chính trực đại vương).

Xã Đa Tốn văn hiến có tới 7 chùa, 6 đình, 1 miếu, 1 nghè… Theo trục đường chính qua đường Lê Xá đến đình Ngọc Động ở cuối làng. Những ngôi đình này đều thờ ba vị thành hoàng: Đào Đô Thống, Đào Chiêu Hiển, Đào Tam Lang.

Đền thờ ba vị sau những thăng trầm của lịch sử nay không còn. Hiện trong đình Ngọc Động đặt ba Ngai, thờ ba vị mang mũ võ tướng. Theo các cụ trong ban di tích, đình Ngọc Động thờ ba vị danh tướng họ Đào từ bao đời nay.

Sau Lê Xá lập làng xin rước các cụ về thờ ở đình. Tam thánh tướng quân linh thiêng, năm nào dân hai làng cũng mở lễ hội vào ngày 9, 10, 11 tháng hai ta để tưởng nhớ các vị đã tận trung với nước.

Bản thần tích viết rằng:
- Ba anh em Đào Đô Thống, Đào Chiêu Hiển, Đào Tam Lang, cùng sinh một ngày, tướng mạo khác thường. Lớn lên đều là những người có tài thao lược.

Khi Nhị vua Hai Bà Trưng dấy cờ khởi nghĩa đánh Tô Định trả thù nhà, nợ nước, cả ba anh em cùng theo vào trong quân, lập rất nhiều công trạng. Ba vị tướng quân họ Đào được Hai Bà trọng dụng. Đánh đuổi Tô Định, nhị vua Hai Bà thu lại 65 thành trì, xưng vương.

Nhà Hán sai Mã Viện, một viên tướng hết sức tàn bạo sang đàn áp, kẻ thù có quân đông, thảm sát dữ dội người dân. Ba vị Đào Đô Thống, Đào Chiêu Hiển, Đào Tam Lang được giao chặn quân Hán ở phía bắc Hà Nội nay.

Trong một trận đánh sinh tử, kìm chân giặc để đại binh Hai Bà Trưng đủ thời gian rút về Khê Lũ (Cẩm Khê), ba tướng quân họ Đào bị dồn về phía sông Nhị Hà. Quân giặc hung hãn tràn lên. Không chịu để sa vào tay giặc, cả ba vị cùng tuẫn tiết ở bến Bồ Đề, Gia Lâm (nay là quận Long Biên).

Dân Đa Tốn kính vọng lòng trung trinh của ba vị tướng quân, rước về thờ làm thành hoàng, tôn làm thánh. Sách Danh nhân Hà Nội của Vũ Tuấn Sán chép truyện này có ghi câu đối (dịch):
Quân tướng oai hùng cao tướng lược
Bến Bồ tuẫn tiết, nghĩa cả trung thần
Trong đình Ngọc Động còn 6 câu đối đã phiên âm Hán Việt. Xin chép ra hai câu:
Câu 1: Oan kính nhất thiên vô Mã tướng
Cương thường thiên tại hữu Trưng Vương
Câu 5: Tam thánh nhất tâm thu nguyệt Hàn Giang
Nhị thôn bách tính xuân đài thọ vực nhẹ hồng hưu

Ba danh tướng họ Đào sinh ngày 10 tháng 2. Ngày tuẫn tiết 12 tháng 7. Ngày nay tại Ngọc Động vẫn còn địa danh Vườn quân, bãi tập. Dân hai làng lấy ngày 10 tháng 2 ta làm chính hội (Hội từ 9, 10, 11 tháng 2)

Thần phả còn ghi trong cả nước Việt có 72 nơi thờ Tam thánh họ Đào.

Kiến trúc

Đình Ngọc Động tương truyền được xây dựng từ rất lâu đời, xưa làm theo kiểu "chữ Đinh". Trải qua nhiều cuộc sửa chữa tôn tạo, hiện nay khuôn viên đình là một khoảnh đất rộng có tường bao kín nằm ở sát bờ nam sông Nghĩa Trụ. Sau lần đại trùng tu mới đây, phần lớn ngôi đình vẫn giữ phong cách nghệ thuật kiến trúc của thời Nguyễn với mặt bằng đã được mở mang theo kiểu "nội Công ngoại Quốc".

 
 
 

Sân trước đình Ngọc Động. 

Đình nhìn ra một hồ nước hình vuông ở phía tây-nam. Cổng nghi môn giáp mặt đường, gồm 4 trụ biểu. Du khách từ cổng đi vòng qua bức bình phong lớn đắp cuốn thư sẽ vào sân tiền đường, hai bên có 2 nhà giải vũ rộng 3 gian.

Đại đình gồm 3 gian 2 chái, du khách bước lên thềm qua 3 bậc đá, trước gian giữa có đôi sấu đá.

Hậu cung 3 gian tách riêng có không gian lấy sáng, gian giữa có một phần nhô theo kiểu 2 tầng 8 mái.

 
 
 

 Đại đình, nơi thờ phụng trong đình Ngọc Động

Hông hậu cung giáp với hai sân bên và nhìn sang 2 nhà tả hữu vu 3 gian. Phía sau là vườn cây và công trình phụ.

 Hầu đình Ngọc Động

Di sản

Trong đình Ngọc Động hiện vẫn giữ được một số vì kèo cũ mang phong cách nghệ thuật chạm trổ của thời Hậu Lê. Ngoài ra còn có nhiều cổ vật giá trị như kiệu bát cống, long ngai, bài vị và đồ tế khí... Lễ hội đình làng được dân sở tại tổ chức hàng năm từ mùng 9 đến ngày 12 tháng Hai âm lịch. Ngày 09-01-1990 Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình là Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

Sông Nghĩa Trụ do vua Lê Duy Phường cho đào vào năm 1729; đầu thời Nguyễn là một con ngòi (khê) như tả trong bài thơ 經義柱橋次原韻 (Kinh Nghĩa Trụ kiều thứ nguyên vận: Lại qua cầu Nghĩa Trụ hoạ nguyên vần) của Phạm Đình Hổ (1768-1839).

Hiện nay sông chỉ còn 2 đoạn cách xa nhau do bồi lấp. Đoạn đầu bắt nguồn từ sông Hồng chỗ Xuân Quan chảy qua địa phận Văn Giang, Xuân Cầu, Đồng Tỉnh rồi đổ vào sông Hoan Ái. Năm 1958 được đào rộng ra, gọi là sông Kim Sơn trong hệ thuỷ nông Bắc-Hưng-Hải.

Đoạn thứ hai ở phía nam tỉnh Hưng Yên, gọi là sông Cầu Cáp hoặc sông Điềm Xá, Mai Xá; bắt đầu từ ngã ba thôn Ba Đông chảy qua Cầu Cáp, xã Đoàn Đào (huyện Phù Cừ), rồi chảy đến thôn Hà Linh, gặp sông Hồ Kiều và chảy thẳng xuống Mai Xá (huyện Tiên Lữ).

 
CHÙA ĐÀO XUYÊN - ĐA TỐN
Ngày đăng 22/05/2022 | 06:06  | Lượt truy cập: 3569

CHÙA ĐÀO XUYÊN (THÁNH ÂN TỰ)

        Chùa Đào Xuyên tên chữ là “Thánh Ân tự”, ở thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

        Chùa được xây dựng từ khá lâu, theo bia ở chùa cho biết thì năm 1635 chùa đã được tu tạo và được sửa chữa nhiều lần. Lần sau cùng vào năm Duy Tần 10 (1910) chùa đã được làm lại hoàn toàn.Chùa được kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”, có quy mô khá lớn. Chùa gồm nhà thiêu hương, thượng điện, tòa tam bảo, nhà tổ và các công trình phụ. Tòa tam bảo quay hướng đông nam, có kiến trúc kiểu chuôi vồ. Tiền đường có 7 gian 2 dĩ. Nhiều Bộ phận được chạm khắc tinh tế.

http://media.dulich24.com.vn/diemden/chua-dao-xuyen-3835/chua-dao-xuyen-1.jpg

http://media.dulich24.com.vn/diemden/chua-dao-xuyen-3835/chua-dao-xuyen-2.jpg

         Chùa còn giữa được pho tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhân có niên đại thế kỷ 16. Tượng bằng gỗ mít, cao 1,35m (không kể bệ) ngồi trên bệ sen hình lục giác (nếu kể cả bệ thì cao 2,31m). Tượng có 42 tay lớn và 610 tay nhỏ. 42 tay lớn chìa ra phía trước và xung quanh với nhiều động tác, hình dáng khác nhau, tay thì cầm vật báu, tay thì bắt quyết, không tay nào giống tay nào. Còn 610 tay nhỏ thì xếp thành nhiều lớp hai bên sườn và phía sau, xếp vào nhau như những nan quạt, tạo nên một quầng tròn phía sau tượng, như một vòng hào quang tỏa sáng quanh người. Đầu tượng đội mũ pháp sư, được trang trí những hạt tròn, sơn son thếp vàng óng ánh góp phần làm tăng thêm uy linh và đức độ của Phật Bà Quan Âm. Mặt tượng đầy đặn, đôn hậu, mắt lim dim nhìn xuống như đang tập trung tinh thần vào điều gì đó. Mũi tượng thẳng, má bầu, miệng nhỏ, tai dài đeo hoa, tóc chảy dài ra phía sau. Dáng mặt của tượng là một phụ nữ Việt Nam. Tấm áo cà sa khoác trên người chảy dài xuống hai bên lẫn trong các nếp áo. Tượng trong tư thế ngồi yên tĩnh, thế “tham thiền nhập định” nhưng vẫn toát lên vẻ động của một tâm hồn sôi nổi. Những cánh tay sinh động với nhiều dáng, những nếp áo mềm mại chạy dài, phủ trên một tấm thân cân xứng, nở nang… đã thể hiện sức sống của mỗi con người, có những nét gần gũi với bóng dáng hiền dịu của các cô gái nông thôn khỏe mạnh. Tượng được tạc ngồi trên một tòa sen do con rồng đội, nổi lên trên mặt biển sóng nhấp nhô. Tòa sen cao 0,50m gồm 13 cánh sen chính, 13 cánh sen phụ và 20 cánh cách điệu, bố trí xen kẽ thành 2 lớp trên, dưới. Rồng được thể hiện với bộ mặt dữ tợn, những cánh tay gân guốc với những chiếc móng sắc nhọn, mắt lồi nhìn thao láo ra phía trước, mồm rộng, mũi to căng phồng (Rồng ở dây tượng trưng cho loài ác quỷ ma vương, thế lực đen tối). Việc đội tòa sen của rồng biểu hiện sự quy phục Phật pháp. Về mặt thẩm mỹ, điều đó tạo nên sự tương phản giữa cái ác và cái thiện, góp phần làm tăng thêm vẻ nhân hậu, dịu dàng, thiện tâm và sự huyền diệu của Quan Âm. Bệ tượng cao 0,5m có mặt lục giác, được chia làm 3 phần, phần giữa thu hẹp. Trang trí trên bệ tượng là các hình mây lửa, sóng nước,… chính nhờ các trang trí này mà có thể đoán định tượng được tạo tác vào cuối thế kỷ 16.

Chùa cũng còn nhiều tượng tạo tác vào thế kỷ 18 - 19.

Chùa đã được Bộ Văn hóa và thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 9.1.1990.

 

Xã Đa Tốn
Ngày đăng 01/03/2021 | 03:32  | Lượt truy cập: 3119
Năm 1831 huyện Gia lâm có 10 tổng, trong đó có tổng Đa Tốn. Tổng Đa Tốn bấy giờ gồm 9 xã là Đa tốn (gồm 2 thôn là Lê Xá và Ngọc Động), Kiêu Kỵ, Khoan Tế, Thượng Tốn (hay còn gọi là Thuận tốn ), Hạ Tốn, Giang Cao, Xuân Thụy, Gia Cốc và Đào Xuyên. Sau cách mạng tháng Tám, chính quyền xóa bỏ cấp tổng, các xã Đào Xuyên, Khoan Tế, Thuận Tốn lập thành xã Minh Tân; Lê Xá, Ngọc Động vẫn thuộc xã Đa Tốn. Năm 1947, 2 xã Minh Tân và Đa Tốn hợp nhất thành xã Đại Minh (mở rộng thêm 5 thôn của xã Kiêu Kỵ ngày nay là Kiêu Kỵ, Gia Cốc, Báo Đáp, Hoàng Xá, Chu Xá), sau đổi thành Đại Hưng. Sau cải cách ruộng đất tách ra làm 2 xã Đại Hưng (gồm Đào Xuyên, Lê xá, Ngọc Động, Thuận Tốn, khoan tế) và xã Tân Hưng (gồm Kiêu Kỵ, Gia Cốc, Báo Đáp, Hoàng Xá, Chu Xá). Năm 1966, xã Đại Hưng đổi tên là xã Đa Tốn ngày nay.
Xã Đa Tốn ngày nay có 5 thôn (thuộc 4 xã của tổng Đa Tốn cũ) là Khoan Tế, Thuận Tốn, Đào Xuyên, Lê Xá và Ngọc Động. Xã có tổng diện tích tự nhiên 716,04 ha, trong đó có 443 ha đất canh tác với trên 12 nghìn nhân khẩu và hơn 3000 hộ dân.
Đa Tốn vốn là vùng đất cổ nên hiện còn lưu nhiều dấu tích văn hóa Đông Sơn thời dựng nước của vua Hùng như thạp đồng, vũ khí, tiền cổ và các dụng cụ sinh hoạt bằng đồng chứng tỏ Đa Tốn là địa danh nằm trong vùng đất cổ có hoạt động của con người thời đầu Công Nguyên.
Hiện trên địa bàn còn lưu giữ nhiều di vật và di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc thuộc thời Lê-Nguyễn. Điển hình là chùa Khoan Tế (có tên chữ là Cự Đà). Trong chùa có nhiều tượng Phật bằng gỗ sơn son thếp vàng, đẹp nhất là pho tượng phật bà Quan âm 24 tay, ngoài ra chùa còn giữ được một số bia chuông, khánh cổ.
Chùa Đào Xuyên (có tên chữ là Thánh Ân) - đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp bằng Di tích lịch sử. Hiện chùa còn nhiều di vật quý với kiến trúc đặc trưng của thời Nguyễn. Đặc biệt nhất là pho tượng Quan Thế âm được giới nghiên cứu nghệ thuật xếp vào hàng kiệt tác của nghệ thuật tạo tượng phật Việt Nam thế kỷ XVI.
Ở Ngọc động có đình và chùa Ngọc Động (còn gọi là chùa Linh Ứng). Đình Ngọc Động được xây dựng để thờ Ba danh tướng họ Đào - người đã có công giúp Hai bà Trưng đánh đuổi giặc Tô Định nhà Hán.
Ở Thuận Tốn có chùa Giấy và miếu thờ Thành Hoàng làng Thuận Tốn và Đào Xuyên.
Ở Lê xá có Nghè và Đình thờ Thành Hoàng Làng Đào Tam Lang- một trong Ba anh em họ Đào có công trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Xã Đa Tốn nằm trong vùng quê Kinh Bắc nên từ xa xưa đã nổi tiếng về tài chế biến các thực phẩm từ gạo, đỗ tương thành rượu ngon, tương ngọt.
Lịch sử cũng đã từng ghi nhận Đa Tốn là vùng đất hiếu học, Dưới thời Lê, Đa Tốn có 2 người đỗ tiến sỹ. Một người đã làm tới chức Giám sát ngự sử và một người làm quan đốc học.
Đa Tốn là nơi sớm tiếp thu ánh sáng của Đảng. Nơi đây từ những năm 40 của thế kỷ XX, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng đã qua lại hoạt động được nhân dân bảo vệ và nuôi dưỡng tận tình. Nhân dân Đa Tốn đã kiên cường đấu tranh chống đế quốc và phong kiến góp phần vào thắng lợi của cách mạng tháng Tám lịch sử và 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược.
Miến bắc hòa bình, xây dựng CNXH và chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, cán bộ, đảng viên và nhân dân Đa Tốn đã phấn đấu không ngừng, nghỉ để sản xuất giỏi, chiến đấu tốt. Sản xuất lương thực thời kỳ này ở Đa tốn theo hướng " phát triển trồng trọt, chủ yếu là lúa, coi trọng hoa màu và cây đây; phát triển chăn nuôi, chủ yếu là lợn, gia cầm và nuôi cá". Thanh niên Đa Tốn thời kỳ này được lấy làm lực lượng nòng cốt trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thực hiện phong trào " ba sào, năm việc", đoàn thanh niên xã đi tiên phong trong việc làm bèo hoa dâu, lấy phân bùn để cải tạo ruộng xấu thành ruộng tốt. Thanh niên còn lập những đội xung phong chống mỹ cứu nước đi đầu trong mọi việc sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Bên cạnh đẩy mạnh trồng trọt, Đa Tốn còn phát triển cây đay, cây lấy thuốc, phát triển nghề thảm len, thuê ren xuất khẩu, rồi thành lập trung đội "Bach đầu quân", " đội sản xuất phụ lão" chuyên sản xuất cây thuốc nam, trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả làm vườn gây quỹ…Với nhiều phong trào thi đua sản xuất điển hình Đa Tốn luôn là địa phương thiết lập những thành tích mới trong tăng vụ, tăng năng xuất cây trồng lập mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân toàn huyện sớm trở thành một điểm sáng về nông nghiệp nông thôn Thủ đô.
Với tinh thần " thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" Đa Tốn vừa sản xuất giỏi chi viện nhiều sức của cho chiến trường, vừa động viên con em lên đường vào nam chiến đấu, vừa chủ động thành lập các trận địa trực chiến phối hợp với các đơn vị bạn bắn may bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội, vừa làm tốt việc phá bom nổ chậm, cấp cứu, tải thương, v.v…góp phần vào chiến thắng chung trong cuộc kháng chiến chống Mý cứu nước của dân tộc.
Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ đất nước, xã Đa tốn có 4 bà mẹ được tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, có 153 người là liệt sỹ, có 11 gia đình được công nhận là gia đình có công với nước.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, Đa Tốn đã được Đảng và nhà nước tặng danh hiệu: Anh hùng LLVTND; Chủ nhiệm Lê Văn Bùi được tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, với tinh thần tiên phong, xã Đa Tốn lại đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cây trồng trong sản xuất nông nghiệp. Xã thực hiện việc quy vùng sản xuất giống, vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Hiện tại toàn xã có hàng chục hộ thuê thầu và dồn điền đổi thửa thực hiện mô hình kinh tế trang trại. Các loại hình kinh doanh, dịch vụ, vận chuyển.v.v…ngày một phát triển góp phần tạo nhiều việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn. Năm 2011 tỏng thu nhập kinh tế toàn xã đạt gần 213 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt gần 17 triệu đồng/ năm.
Sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục, DS/KHHGĐ ở Đa Tốn luôn đạt thành tích tốt đứng ở tốp đầu của huyện. Đặc biệt là công tác VHTT, TDTT liên tục đạt thành tích xuất sắc dẫn đầu toàn huyện.
Hiện tại Đảng bộ xã Đa Tốn hiện 341 đảng viên sinh hoạt tại 9 chi bộ.
Hàng năm phân loại, số đảng viên được xếp loại hoàn thành xấu sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ %, có từ 79%.đến 85%, và có từ 7 đến 9 chi bộ đạt TSVM. Đảng bộ liên tục giữ vững thành tích tổ chức cơ sở đảng TSVM.
Các đoàn thể nhân dân hoạt động xuất sắc, trong đó đoàn thanh niên, hội nông dân nhiều năm được suy tôn là đơn vị dẫn đầu toàn huyện.
Luôn đi đầu trong thực hiện đổi mới, nhiều năm được UBND thành phố tặng cờ đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua của huyện nên năm 2010, xã Đa tốn đã được UBND Thành phố chọn làm điểm thực hiện Đề án xây dựng NTM giai đoạn 1 huyện Gia Lâm.
Với việc giúp đỡ hỗ trợ từ Thành phố, huyện cùng với phát huy nội lực, đến hết tháng 3/2012, xã Đa Tốn đã đạt 9/19 tiêu chí xây dựng NTM, 5 tiêu chí cơ bản đạt và 5 tiêu chí chưa đạt, Xã Đa Tốn mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp các ngành để hoàn thành đề án xây dựng NTM vào cuối năm 2013./.

BẢN ĐỒ

Quảng cáo

LIÊN KẾT

Số lượng truy cập

Đang truy cập: 7
Tổng: 4.343.710